Lịch sử Lập_pháp_viện_Trung_Hoa_Dân_Quốc

Năm 1928, Lập pháp viện được thành lập, ban đầu gồm 49 đại biểu do chính quyền Quốc Dân đảng chỉ định. Tại nhiệm kỳ 4, số đại biểu tăng lên con số 194. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc được ban hành và đến năm 1947, trong cuộc bầu cử đầu tiên, tổng cộng 759 đại biểu đã được bầu vào Lập pháp viện.

Năm 1950, Lập pháp viện cũng như chính quyền THDQ rút ra Đài Loan, tuy nhiên trong tất cả số đại biểu chỉ có 380 nhà lập pháp đã di chuyển được đến đảo. Lập pháp viện ban đầu có trụ sở tạm thời tại đường Trung Sơn, đến thập kỷ 1960 thì chuyển đến địa điểm ở đường Trung Sơn Nam, nguyên là trường cao đẳng nữ học Cựu Chế dưới thời Nhật Bản chiếm đóng hòn đảo.

Các nhà lập pháp nhiệm kỳ đầu sau Hiến pháp năm 1946 đã hết hạn nhiệm kỳ vào năm 1951. Tuy nhiên sau cuộc tiếp xúc với đại pháp quan của Tư pháp viện, họ đã tiếp tục được gia hạn là thành viên Lập pháp viện với lý do các đại biểu đến từ khu vực bị chiếm đóng không thể có cơ hội tái cử. Sau năm 1969, theo "điều khoản lâm thời thời kỳ động viên kham loạn" (tức "động viên dẹp loạn (cộng sản)"), 11 đại biểu đã được bầu thêm vào Lập pháp viện, cho đến năm 1989, số lượng thành viên bầu thêm đạt con số 130 đại biểu. Tuy nhiên, phần lớn số đại biểu trong Lập pháp viện vẫn là những người được bầu từ nhiệm kỳ đầu và không cần tái cử theo lý do "pháp thống", và các phương tiện truyền thông thường gọi đây là "quốc hội vạn niên".

Năm 1991, tất cả các thành viên của Lập pháp viện nhiệm kỳ đầu được cho nghỉ hưu. Năm 1992, trong một cuộc bầu cử toàn diện, 162 đại biểu đã được bầu vào Lập pháp viện với nhiệm kỳ dự kiến là ba năm. Đến năm 1998, số đại biểu được bầu tăng lên 225 người. Năm 2005, sau khi được Quốc hội và người dân thông qua trong trưng cầu dân ý, Hiến pháp THDQ được sửa đổi, theo đó Quốc hội và Lập pháp viện sáp nhập lại và bắt đầu từ Lập pháp viện khóa 7, nhiệm kỳ các đại biểu sẽ kéo dài 4 năm.